Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Đề nghị kỷ luật nguyên chủ tịch tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng





Ông Phạm Thế Dũng - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Ảnh: Chinhphu.vn


Sau kỳ họp từ ngày 13 đến 16-9 tại Hà Nội, Uỷ ban Kiểm tra trung ương ra kết luận về kết quả kiểm tra đối với ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai và ông Phạm Thế Dũng, nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên bí thư ban cán sự đảng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.


Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ


Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; vi phạm quy chế làm việc của Tỉnh ủy, của ban cán sự đảng UBND tỉnh và các quy định của ban thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo một số hoạt động của UBND tỉnh.


Cùng với đó là vi phạm quy định về công tác tổ chức cán bộ, đề nghị quy hoạch, bổ nhiệm một số nhân sự không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không đúng quy định.


Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016 cũng đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm để UBND tỉnh có nhiều vi phạm, khuyết điểm như: giao đất, cho thuê đất khi chưa có quy hoạch, không tổ chức đấu giá, vi phạm Luật Đất đai, gây thất thu ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng một số dự án từ nguồn ngân sách nhà nước vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng; quyết định mở 5 cửa khẩu phụ, lối mở biên giới vi phạm nghị định của Chính phủ.


Đối với ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của ban cán sự đảng UBND tỉnh.


Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016-2021 cũng đã thiếu kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh những vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; gia hạn hoạt động cửa khẩu phụ, lối mở biên giới vi phạm quy định của Chính phủ.


Chịu trách nhiệm chính


Riêng đối với ông Phạm Thế Dũng, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận ông chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016.


Ông Phạm Thế Dũng cũng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Tỉnh ủy và quy chế làm việc của ban cán sự đảng UBND tỉnh trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định số 51 và quy định số 231 của Ban Bí thư về quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy với các đảng đoàn, ban cán sự đảng.


Vi phạm khác của ông Phạm Thế Dũng là trong chỉ đạo, quyết định giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá và quyết định đầu tư các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, khai thác mỏ; mở các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới không đúng quy định của Chính phủ.


Ông Dũng cũng đã thiếu gương mẫu trong việc đề nghị bổ nhiệm một số người thân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.




Những vi phạm, khuyết điểm của ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016 và ông Phạm Thế Dũng là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật.


Ủy ban kiểm tra trung ương nhận định


Ủy ban Kiểm tra trung ương yêu cầu ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Võ Ngọc Thành, phó bí thư Tỉnh ủy, bí thư ban cán sự đảng, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.




Ông Phạm Thế Dũng sinh năm 1955, quê quán xã Mỹ Hiệp, Phù Mỹ, Bình Định, trình độ chuyên môn cử nhân mỏ địa chất.


Ông Dũng từng kinh qua các chức vụ bí thư huyện Đức Cơ, chủ tịch UBND TP Pleiku, bí thư Thành uỷ Pleiku, phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.


Năm 2005, ông Phạm Thế Dũng được bầu giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, năm 2010 tái đắc cử chức chủ tịch UBND tỉnh. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai năm 2015, HĐND tỉnh đã miễn nhiệm chức vụ chủ tịch UBND tỉnh để ông Dũng nghỉ hưu theo quy định.


Trong nhiệm kì ông Phạm Thế Dũng giữ chức vụ chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tại tỉnh này xảy ra nhiều sự việc gây ồn ào dư luận trong một thời gian dài như các dự án bất động sản tại trung tâm TP Pleiku, dự án thuỷ điện An Khê Kanak, quá trình thực hiện và những hậu quả của chủ trương chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo kiệt qua trồng cao su.


Đặc biệt tại kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai năm 2014, HĐND tỉnh đã tập trung mổ xẻ và cho ý kiến đánh giá lại chủ trương này chuyển đổi đất rừng này. Tại kỳ họp này, sau khi lấy phiếu tín nhiệm, ông Dũng nhận được số phiếu tín nhiệm cao ít nhất trong các chức danh do HĐND tỉnh bầu, chỉ có 27 phiếu, chiếm tỉ lệ 35,53%, đồng thời "đội sổ" về phiếu tín nhiệm thấp, 20 phiếu, tỉ lệ 26,32%.


Thời điểm ông Dũng ở giai đoạn cuối nhiệm kì và khi đã chính thức nghỉ hưu, dư luận tại Gia Lai rộ lên nhiều đồn đoán về việc ông Dũng bị các đối tượng đe doạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét