Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Ông Mai Tiến Dũng: Chưa có cơ sở dừng hay không mỏ sắt Thạch Khê


Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới dự án mỏ sắt Thạch Khê kéo dài hàng chục năm nay, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, đây là chủ trương lớn của Bộ Chính trị, Chính phủ những khoá trước. Việc dừng hay không mỏ sắt Thạch Khê mỗi Bộ, ngành và bản thân tỉnh Hà Tĩnh cũng có nhiều quan điểm khác nhau. "Hôm nay chúng ta ngồi đây bảo quyết định dừng hay không dừng thì chưa có cơ sở", ông Dũng nói.


Người phát ngôn Chính phủ thông tin thêm, tại cuộc làm việc với tỉnh Hà Tĩnh cách đây không lâu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần có cơ quan tư vấn đánh giá độc lập, toàn diện dựa trên căn cứ khoa học, kỹ thuật, môi trường và hiệu quả kinh tế dự án này.


"Đây là một việc rất hệ trọng, sẽ báo cáo với Chính phủ, sau đó Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị, lúc đó sẽ quyết định. Tinh thần là chúng ta phải ngồi với nhau khách quan, chứ ngồi đây bảo không hay có thì cũng không có cơ sở", ông nhắc lại. 


Theo ông Mai Tiến Dũng, Thủ tướng yêu cầu cần có đánh giá tổng thể về dự án mỏ sắt Thạch Khê từ một cơ quan tư vấn độc lập, trước khi quyết định dừng hay không dự án này. Ảnh: Võ Hải

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, cơ quan này đã có báo cáo gửi Thủ tướng và kiến nghị dừng mỏ sắt này xuất phát từ 4 quan ngại về năng lực nhà đầu tư, tác động môi trường, thị trường tiêu thụ quặng sắt và giao thông vận tải. 


"Không chỉ nghe báo cáo, xem tài liệu mà đích thân Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thị sát thực tế và thấy quan ngại. Vì thế, kiến nghị này của Bộ Kế hoạch dựa trên sự cân nhắc tính toán rất kỹ lưỡng", Thứ trưởng Đông chia sẻ.


Trong lúc Bộ Kế hoạch & Đầu tư khẳng định "tiếp tục dự án mỏ sắt Thạch Khê là khó khả thi", thì trong văn bản phản hồi Bộ Công Thương cho rằng, đề xuất dừng dự án này "chưa đủ cơ sở khoa học, thực tiễn".


Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được khởi công từ 2009, với sự tham gia của các cổ đông như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng công ty Sông Đà...


Dự án tạm dừng triển khai 2 năm sau đó (2011) do gặp vướng mắc về vốn góp của các cổ đông, khó khăn trong huy động vốn. Từ tổng mức đầu tư ban đầu 14.500 tỷ, chủ đầu tư đã phải tính toán lại, giảm về còn 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một là 6.700 tỷ. Đến tháng 3/2017, dự án tiếp tục giảm quy mô vốn đầu tư về mức 12.200 tỷ đồng. Qua 2 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án này giảm khoảng 2.300 tỷ.


Đến cuối năm 2016 sau khi cơ cấu lại các cổ đông góp vốn, số tiền đã rót vào triển khai dự án này gần 1.600 tỷ đồng. Khoản tiền chủ yếu được chủ đầu tư rót vào các hạng mục như thiết kế kỹ thuật, địa chất, trắc địa môi trường và rà bom mìn; mua sắm máy móc thiết bị kỹ thuật... Nếu dự án dừng triển khai, khoản đầu tư này sẽ khó có cơ hội hoàn vốn.


Anh Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét