Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

'Hội nghị SOM 3 đáp ứng thiết thực sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp'


Chiều 30/8, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC SOM 3 và các cuộc họp liên quan đã kết thúc sau 13 ngày làm việc và đạt được một số kết quả quan trọng nhằm hướng tới xây dựng một cộng đồng APEC phát triển bao trùm, bền vững.


Tại cuộc họp báo cùng ngày, Thứ tưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết, các đại biểu đánh giá cao kết quả của Diễn đàn phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong APEC. Đây là sáng kiến của Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển bao trùm ở khu vực, và cũng là lần đầu tiên có một hoạt động gắn kết một cách tổng thể các nỗ lực phát triển bao trùm trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội, và thúc đẩy phối hợp chính sách - hành động giữa các ủy ban, nhóm công tác của APEC.


Các quan chức cấp cao APEC tại buổi họp báo. Ảnh: Đình Lý. 

Diễn đàn đã góp phần xây dựng nhận thức chung về sự cần thiết hình thành một Chương trình hành động APEC liên quan phát triển bao trùm, trong đó sẽ có các tiêu chí cụ thể, các giải pháp liên ngành, các biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế và pháp lý liên quan thúc đẩy phát triển bao trùm…


Ông Sơn cho rằng, hội nghị SOM 3 lần này diễn ra trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của kinh tế và thương mại toàn cầu và khu vực khởi sắc hơn; dự báo tăng trưởng của khu vực sẽ tiếp tục cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu (3,8% so với 3,5%). Tuy nhiên, gia tăng khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế cũng như trong bản thân từng nền kinh tế, sự nổi lên của nhiều thách thức an ninh phi truyền thống (thiên tai, bệnh dịch, già hóa dân số, biến đổi khí hậu…), tiếp tục đặt ra nhu cầu APEC cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng và tăng cường hợp tác, liên kết đáp ứng thiết thực hơn các quan tâm của người dân, doanh nghiệp.


Theo Chủ tịch SOM APEC 2017, với gần 80 hoạt động diễn ra trong 13 ngày qua đã hướng tới mục tiêu này và đề cập đến những vấn đề hết sức gần gũi với người dân và doanh nghiệp. Đó là phát triển nguồn nhân lực, cải cách cơ cấu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chống tham nhũng, ứng phó thiên tai, cải thiện môi trường kinh doanh... Qua đó, hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan đã đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, với những kết quả nổi bật.


Cụ thể, trong bối cảnh còn có nhiều lo ngại về phân bổ không đồng đều các lợi ích của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, các thành viên đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đưa hợp tác APEC mang lại những lợi ích thiết thực, cụ thể cho từng nền kinh tế, từng cộng đồng người dân cũng như doanh nghiệp.


SOM 3 tiếp tục khẳng định quyết tâm của các thành viên thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực thông qua thúc đẩy thực hiện các mục tiêu Bogor (thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và đối với các nền kinh tế đang phát triển là 2020). Cùng với đó là trao đổi về các bước đi chuẩn bị cho việc xây dựng tầm nhìn cho APEC sau 2020; tăng cường liên kết tiếp tục là một động lực quan trọng cho tăng trưởng của khu vực.


Cuối cùng, các quan chức cao cấp đã thông qua 3 văn bản định hướng trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành gồm: khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới; bộ kinh nghiệm điển hình về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, và khuôn khổ giám sát đối với chương trình hành động khung kết nối cung ứng (SCFAP II) và nhất trí sẽ báo cáo các kết quả này lên các nhà lãnh đạo APEC. Ngoài ra, hội nghị cũng đã thảo luận việc chuẩn bị cho tuần lễ cấp cao APEC 2017 và các hoạt động cấp Bộ trưởng của APEC sắp tới.


"Những kết quả này đều đáp ứng thiết thực quan tâm của các thành viên, các doanh nghiệp và người dân trong khu vực, đồng thời cũng đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó có phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm của phát triển", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.


Bên cạnh đó, những kinh nghiệm phong phú được trao đổi tại cuộc họp lần này bao gồm các điển hình về chính sách, mô hình của các tổ chức quốc tế là cơ sở để các nền kinh tế thành viên hoàn thiện hệ thống pháp lý và chính sách, trong đó có Việt Nam để nâng cao hiệu quả và tính đồng bộ trong việc thực thi các chính sách liên quan đến phát triển bao trùm; từ đó, tạo ra cơ sở cho sự phát triển bền vững. Các kiến nghị cụ thể được đưa ra tại diễn đàn lần này trên 3 lĩnh vực kinh tế, tài chính, xã hội sẽ tạo được các động lực để các thành viên của APEC nói chung huy động và sử dụng các nguồn lực để phục vụ cho sự phát triển bền vững tốt hơn, bao trùm hơn.


Liên quan đến những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đặc biệt là siêu nhỏ của Việt Nam, cũng như các nền kinh tế APEC, Chủ tịch Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC 2017 Hoàng Văn Dũng cho rằng, APEC rất quan tâm đến việc tăng cường kết nối về công nghệ.


Tổ chức này hoan nghênh và đánh giá cao tầm quan trọng của việc phát triển và đầu tư trong hạ tầng kỹ thuật số; khuyến khích những quy định, những sáng kiến một cách bền vững bao gồm việc di chuyển hệ thống dữ liệu qua biên giới trong toàn khu vực; đặc biệt đầu tư vào hệ thống giáo dục, năng lượng để làm sao con người có thể đáp ứng những công việc trong tương lai. 


Đối với doanh nghiệp Việt Nam khoảng 97% là nhỏ và vừa, lại yếu về tài chính và nguồn nhân lực nên trong bối cảnh toàn cầu thì sức ép cạnh tranh bên ngoài là rất lớn. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia hội nhập với ASIAN, APEC, WTO… thì sức ép từ các doanh nghiệp bên ngoài ngày càng tăng. Cho nên, để doanh nghiệp Việt Nam tồn tại trên thị trường nội địa và vươn ra thế giới thì đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh, phải tự đổi mới và cơ cấu lại sản xuất để làm sao phù hợp với sự phát triển của khu vực và thế giới. Để thực hiện được vấn đề này, cần phải áp dụng khoa học công nghệ trên thế giới; đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, Chính phủ có chính sách hỗ trợ, tạo những cơ chế về pháp lý để doanh nghiệp phát triển một cách bền vững đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.


Thanh Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét